Hội thảo “Năng Lượng Tương Lai Châu Á”

Ngày 16/5/2023, Phó Tổng Giám Đốc (PTGĐ) EVNPECC1 – ông Nguyễn Kim Cương đã sang thủ đô Bangkok Thái Lan dự buổi hội thảo “Năng Lượng Tương lai Châu Á” (FEA) diễn ra trong 03 ngày 17-19/5/2023.

Phó Tổng Giám đốc EVNPECC1 - ông Nguyễn Kim Cương tham dự Hội thảo với tư cách diễn giả.

Hội thảo lần này đã tập hợp các Bộ trưởng, Giám đốc điều hành Năng lượng, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kỹ thuật từ khắp nơi trên thế giới để phân tích các xu hướng quan trọng định hình ngành năng lượng, nhằm tạo ra các lộ trình mới trong quá trình chuyển đổi sang net-zero và xây dựng quan hệ đối tác nhằm đưa Châu Á đến gần hơn với việc cung cấp năng lượng dễ tiếp cận, an toàn và giá cả phải chăng cho tất cả các quốc gia trong khu vực.

Trong những năm gần đây, đã có sự gia tăng đáng kể các hoạt động liên quan đến nghiên cứu Hydro xanh, hợp tác, thí điểm và thử nghiệm. Điều này đã dẫn đến một bối cảnh nhiều cơ hội hứa hẹn hơn cho cả nhập khẩu và xuất khẩu Hydro cũng như vai trò quan trọng của hỗ trợ pháp lý đối với lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Kim Cương – PTGĐ EVNPECC1 đã đại diện Công ty tham dự phiên họp với chủ đề “Hiện thực hóa nền kinh tế Hydro toàn cầu: Tích hợp các chính sách và tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị Hydro” với tư cách là một trong năm diễn giả chính. Những diễn giả còn lại của phiên họp là các chuyên gia trong ngành như ông: Patrick Cooper Diaz-Ufano (Chuyên gia về Hydro – Tập đoàn ARUP), Ashwani Raina (Giám đốc Phát triển Kinh doanh - Global Green Hydrogen – Tập đoàn ACWA Power, Mathieu Geze (Giám đốc khu vực Châu Á – Tập đoàn HDF Energy) và Deepak Agrawala (Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao – Tập đoàn Avaada). 

Thảo luận tại phiên họp, đối với vấn đề thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, ông Nguyễn Kim Cương cho biết: các quốc gia cần phải thúc đẩy các dự án Năng lượng tái tạo, đồng thời phát triển xây dựng các cơ chế chính sách có hiệu quả như:

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm chi phí điện đầu vào cho Hydro xanh.

- Mỗi quốc gia cần xác định mức độ tham vọng của mình đối với Hydro, vạch ra lộ trình để đạt được tham vọng và số lượng hỗ trợ cần thiết, đồng thời cung cấp điểm tham chiếu về phát triển Hydro cho đầu tư và tài chính tư nhân. Từ chiến lược quốc gia Hydro sẽ dần dần phát triển đến các luật, quy định và cơ chế hỗ trợ. Cách tiếp cận chính sách này cần lưu ý một số điểm như: Chính phủ cần yêu cầu sử dụng Hydro thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các ngành: điện lực, giao thông vận tải, công nghiệp và nhiệt điện. Hỗ trợ tài chính để thay đổi Công nghệ, R&D, sản xuất, kinh doanh Hydro. Chẳng hạn ở Việt Nam năm 2016-2017 năng lượng tái tạo chưa được quan tâm nhiều, trong Quy hoạch phát triển điện 7 hướng phát triển khoảng 850 MW, tuy nhiên sau nghị định của chính phủ về giá FIT đã hỗ trợ năng lượng tái tạo điện mặt trời và gió, do đó thị trường năng lượng đã bùng nổ thành một trong những ngành năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời chiếm 23 GW/tổng 76GW, chiếm 25% công suất hệ thống điện Việt Nam.

Ông Nguyễn Kim Cương cũng chia sẻ thêm: Chiến lược phát triển Hydro xanh là định hướng đúng đắn trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể làm được điều này, chúng ta cần một lộ trình chuyển đổi dần dần, trong đó xem xét đánh giá khả năng tích hợp Hydro với các nguồn năng lượng truyền thống. Các nguồn năng lượng chúng ta đang sử dụng bao gồm thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo, điện hạt nhân. Trong đó có các nguồn điện than, khí cần được xem xét để chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu xanh, tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Để tận dụng lợi thế và phát triển có thể nghiên cứu công nghệ chuyển đổi sử dụng Ammonia và Hydrogen thay cho than và LNG, xây dựng lộ trình chuyển đổi các bước từ nay đến năm 2050.

Ông Nguyễn Kim Cương cho biết: Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt cách đây vài ngày tại Việt Nam đã ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho hệ thống điện. Theo lộ trình đã được phê duyệt, Việt Nam sẽ yêu cầu các nhà máy điện than, khí, LNG đã sử dụng 20 năm phải chuyển dần sang sử dụng amoniac và hydro. Đến năm 2050 sẽ không còn nhà máy nhiệt điện. Như vậy, Việt Nam sẽ tận dụng các nhà máy và cơ sở hạ tầng cũ để phát triển Hydro.

Phiên họp cũng đã thảo luận về những bài học quan trọng và những phương pháp tốt nhất có thể áp dụng ở châu Á qua bài học từ các dự án Hydro quốc tế. Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Kim Cương cho biết: Bên cạnh những bài học về phát triển Hydro từ các dự án thực tiễn, có thể thấy bài học gần đây nhất từ phát triển năng lượng tái tạo. Chi phí quang điện mặt trời (PV) và năng lượng gió đã giảm lần lượt 80% và 40% trong thập kỷ qua, và những xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Qua đó, các quốc gia cần thực hiện những phương án như:

- Chuẩn hóa thiết kế, xây dựng, an toàn, sản xuất, chuỗi cung ứng… của Hydro xanh.

- Ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, mua sắm, đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, mở rộng kỹ năng.

- Chính sách bắt buộc chuyển đổi các nguồn năng lượng trong ngành điện (thay thế than, LNG, khí bằng Amoniac, Hydro), giao thông vận tải (vận tải đường dài, ô tô), công nghiệp (hóa chất, thép, nhiệt) để tạo ra thị trường lớn .

- Thực hiện các dự án lớn, có hỗ trợ tài chính, hỗ trợ đầu ra để giảm giá thành sản phẩm.

- Lập quy hoạch sử dụng tài nguyên nước.

Tại phiên họp các diễn giả cũng thảo luận và chia sẻ quan điểm về việc áp dụng những công nghệ tiên tiến và các đối tác quốc tế để hỗ trợ tạo ra nền kinh tế Hydro xanh toàn cầu, khám phá những điểm nổi bật cũng như có được những hiểu biết có giá trị về tương lai của Hydro.

Tham dự hội thảo FEA lần này, EVNPECC1 đã thể hiện chiến lược phát triển của Ban Lãnh đạo Công ty đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, thu hồi và lưu trữ Hydro cũng như Carbon. Cùng với đó là cơ hội tương tác với các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách để từ đó có được những hiểu biết có giá trị về tương lai của ngành năng lượng, đồng thời khám phá các mối quan hệ đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường nhằm mang lại cơ hội phát triển hơn nữa cho EVNPECC1 trong tương lai.

 

  • 19/05/2023 03:55