Đề xuất cơ chế ‘hoàn trả vốn’ đầu tư lưới điện do ‘tư nhân đầu tư’

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế hoàn trả vốn đầu tư lưới điện truyền tải cho các nhà đầu tư tư nhân trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thiếu vốn đầu tư các công trình điện trọng điểm.

Như chúng ta đã biết, sau khi kết thúc hội thảo khoa học về “Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư IPP phát triển nguồn điện tại Việt Nam - Những vấn đề đối với nhà đầu tư” do Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực (chủ trì), Tạp chí Năng lượng Việt Nam (tổ chức thực hiện), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Thường trực đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả hội thảo này. Đồng thời, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án nguồn năng lượng gió, mặt trời, nhiệt điện khí, than... do các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế thực hiện ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đường dây 220/500 kV do Trungnam Group làm chủ đầu tư.


Để có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các đề xuất, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các bộ, cơ quan có ý kiến về đề xuất, kiến nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triền Điện lực.

Trong văn bản góp ý báo cáo kết quả hội thảo nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay, khung pháp lý về phát triển các dự án điện độc lập (IPP) chưa được hoàn thiện để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31/8/2006 về việc ban hành Quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập. Tuy nhiên, Quyết định số 30/2006/QD-BCN căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, đã được thay thế, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Do vậy, để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nêu tại văn bản số 84/BCĐQGĐL-VP, Bộ Công Thương cần nghiên cứu đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN.

Theo đó, nội dung về cơ chế xử lý đối với các chủ đầu tư IPP thực hiện dự án chậm tiến độ, hoặc không thực hiện dự án do lỗi của phía nhà đầu tư và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp nếu xảy ra chậm tiến độ do lỗi của cơ quan quản lý đề nghị nghiên cứu đưa vào văn bản nêu trên.

Mặt khác, theo Khoản 1, Điều 92 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan khác có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn về đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư) trong lĩnh vực, phạm vi quản lý. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn triển khai các dự án điện đầu tư theo hình thức PPP.

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ “Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước”. Đồng thời, tại Nghị quyết 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55, Bộ Công Thương được giao “Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tài chính và huy động vốn từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển ngành điện từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện”. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế hoàn trả vốn đầu tư lưới điện truyền tải (nếu có) cho các nhà đầu tư tư nhân là phù hợp trong bối cảnh EVN đang thiếu vốn đầu tư các công trình trọng điểm.

Ngoài ra, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, quy định “Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Nghị định này”.

Như vậy, việc rà soát, sửa đổi Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện và các Thông tư liên quan thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương./.

  • 09/11/2020 09:36

Lĩnh vực hoạt động